1
Chát ngay với Kiến Trúc Sư

Các biện pháp huy động trẻ mầm non đến trường

Giáo dục mầm non là cấp bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục toàn ngành. Các đơn vị mầm non có nhiệm vụ huy động trẻ độ tuổi mầm non đi học, tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ theo chương trình của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Vậy biện pháp huy động trẻ mầm non đến trường là gì?

1. Tại sao cần huy động trẻ mầm non đến trường?

Việt Nam đang trong quá trình Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mục tiêu lớn của Đảng là hướng tới dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Chính vì thế, chăm sóc và đào tạo thế hệ trẻ thơ hôm nay sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt, bồi dưỡng nhân tài và ươm mầm cho những trụ cột của đất nước mai sau.

Để thực hiện được mục tiêu cao cả đó không thể không kể đến vai trò của các đơn vị mầm non trong việc huy động trẻ nhỏ đến trường, tạo cho trẻ một môi trường học tập và rèn luyện tốt nhất. Đồng thời, giáo dục mầm non phải không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy, đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất để trẻ phát triển một cách toàn diện.

2. Các biện phát huy động trẻ mầm non đến trường

2.1. Trực tiếp tuyên truyền, vận động trẻ đến độ tuổi đi học ở từng gia đình

Tuyên truyền, vận động là một việc làm cần thiết trong công tác huy động trẻ mầm non đến trường. Trước khi bắt đầu năm học mới, nhà trường nên lập danh sách đầy đủ những trẻ chưa đi học tại địa phương. Sau đó tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của trẻ và gia đình, khéo léo trò chuyện, tuyên truyền lợi ích của việc giáo dục mầm non đối với trẻ nhỏ và vận động trẻ đi học.

Tùy vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi gia đình mà nhà trường có những biện pháp tuyên truyền khác nhau. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng là giúp cộng đồng hiểu được khi nào thì trẻ cần đến trường và thuyết phục các gia đình cho trẻ đi học trong tâm thế vui vẻ, tự nguyện.

Các đơn vị mầm non cần lưu ý, huy động trẻ mầm non đến trường là một công việc không hề đơn giản. Không phải bất cứ gia đình nào cũng hiểu được tầm quan trọng của giáo dục mầm non. Có rất nhiều lý do để họ từ chối lời vận động của bạn như con em họ có ông bà trông giữ, gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hoặc có những gia đình lo con mình chưa biết tự ăn uống, tự vệ sinh hay chưa nói rõ lời,...Đây cũng là điều dễ hiểu bởi không có cha mẹ nào không lo lắng cho sức khỏe của con.

Đối với gia đình đặc biệt khó khăn, nhà trường nên tạo điều kiện giúp đỡ về đồ chơi và dụng cụ học tập thông qua các quỹ từ thiện, quỹ khuyến học, hội chữ thập đỏ,...hoặc giảm một phần đóng góp học phí để các bé có thể sớm đi học.

Còn đối với gia đình chưa yên tâm về cách chăm sóc và nuôi dạy trẻ, hãy tạo điều kiện cho họ được đến tham dự, quan sát các hoạt động của trẻ trong nhà trường để họ có thể nhận thức được sự cần thiết của giáo dục đối với con em mình.

Tóm lại, nắm vững hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình sẽ giúp cho hoạt động huy động trẻ của trường mầm non đạt hiệu quả cao nhất.

2.2. Phối kết hợp với các tổ chức, ban ngành, đoàn thể

Kết hợp với các tổ chức như Hội phụ nữ thôn, Mặt trận tổ quốc, Ban bí thư xã, Ủy ban nhân dân bằng cách triển khai các cuộc họp, báo cáo nội dung cụ thể về tình hình vận động trẻ mầm non đến trường, trao đổi và yêu cầu họ giúp đỡ, động viên các gia đình có con nhỏ trong độ tuổi đi học. Đồng thời, đưa vấn đề này vào tiêu chí đánh giá kết quả thi đua của các chi hội. Chẳng hạn: Nếu là hội viên của Hội phụ nữ có con trong độ tuổi đi học mà vẫn không cho con đến trường thì hội viên đó không đạt danh hiệu Hội viên xuất sắc, danh hiệu “Phụ nữ nuôi con khỏe, dạy con ngoan”,...

2.3. Tuyên truyền trên loa truyền thanh, các phương tiện thông tin đại chúng

Nhà trường nên vận động trẻ đến trường thông qua hệ thống loa truyền thanh của xã. Nội dung tuyên truyền cần rõ ràng, xúc tích, có dẫn chứng thuyết phục. Đồng thời, bạn nên yêu cầu xã phát đi phát lại nhiều lần để tuyên truyền đạt hiệu quả cao.

Các nội dung tuyên truyền có thể là:

- Vì tương lai tươi sáng của con em chúng ta.

- Kế hoạch huy động trẻ mầm non đến trường

- Cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho trẻ mầm non đi học,....

Điều quan trọng là sau khi nghe xong, các bậc cha mẹ sẽ có nhận thức tiến bộ, sẵn sàng cho con theo học mầm non.

2.4. Tổ chức các lễ hội, cuộc thi, các hoạt động lớn

Trường mầm non nên bố trí tổ chức các lế hội, cuộc thi cho bé như Ngày hội đến trường, Tết trung thu, Quốc tế thiếu nhi, các buổi thi hát, múa, thi kể chuyện,... thu hút các bé và phụ huynh tham gia. Khi thấy các bé được sống trong môi trường vui vẻ, khỏe mạnh, múa dẻo hát hay và kể chuyện hấp dẫn thì ông bà, cha mẹ sẽ khuyến khích và cổ vũ nhiệt tình. Điều này sẽ góp phần thay đổi suy nghĩ của họ, có thể họ sẽ động viên con em mình đi học để các bé trở nên năng động, hoạt bát và mạnh dạn hơn.

Đây được xem là hình thức tuyên truyền khá hiệu quả, giúp các bậc phụ huynh thêm tin tưởng vào giáo dục mầm non, đồng thời nâng cao trách nhiệm của họ trong việc phối hợp với nhà trường để nuôi dưỡng và giáo dục trẻ.

2.5. Xây dựng môi trường an toàn, thân thiện và hòa nhập

Xây dựng hệ thống cơ sở vật chất tốt để nâng cao chất lượng học tập và vui chơi cho trẻ. Song song với đó là tạo ra môi trường thân thiện, an toàn tuyệt đối, đảm bảo cho trẻ luôn được bảo vệ trong sự kiểm soát của giáo viên và nhà trường.

Trường mầm non phải tránh sự ồn ào, ô nhiễm. Sàn nhà cũng phải lát gạch chống trơn trượt cho các bé an toàn chạy nhảy. Thiết kế phòng học cần đa dạng với nhiều tranh ảnh, chủ đề giúp các bé nhận biết mọi thứ xung quanh. Hiên chơi phải rộng rãi, sạch sẽ, bố trí các loại cây xanh hoặc chậu hoa nhỏ để không gian thêm trong lành và thân thiện.

Có thể bạn cần biết: Thiết kế mầm non chuyên nghiệp, sáng tạo

2.6. Nâng cao công tác quản lý mầm non

Để có tác động tích cực đến tâm lý của trẻ cũng như các bậc cha mẹ, người lãnh đạo trường mầm non cần trau dồi kĩ năng quản lý nhà trường, khuyến khích đội ngũ giáo viên nâng cao trách nhiệm với việc chăm sóc và giáo dục trẻ, từ việc học tập, vui chơi giải trí đến việc làm thế nào để mỗi ngày đến trường đối với trẻ đều thực sự là một ngày vui.

Tham khảo thêm: Kĩ năng quản lý trường mầm non hiệu quả

Đổi mới phương pháp dạy học với phương châm “Học mà chơi, chơi mà học”, cho phép trẻ được kết hợp giữa học tập với vui chơi giải trí. Giáo viên chỉ là người gợi mở, hướng dẫn và tạo cơ hội cho trẻ được tự do trải nghiệm, khám phá thế giới xung quanh.

Nâng cao chất lượng y tế trường học, theo dõi và tổ chức khám sức khỏe cho trẻ theo định kỳ, có kế hoạch chăm sóc riêng cho trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc mắc các vấn đề về sức khỏe khác.

Đối với thực đơn của trẻ, nhà trường cần xây dựng khẩu phần ăn hợp lý, chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Đồng thời phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhà trường, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng ngộ độc. Có thể tổ chức các hoạt động cho bé như trồng rau xanh, sạch, bảo vệ môi trường,...

Nếu thực hiện tốt các giải pháp trên đây, trường mầm non của bạn sẽ trở thành ngôi nhà thứ 2 của trẻ, là nơi trẻ có thể tự do phát triển thể chất, đạo đức và tinh thần. Đó chính là cơ sở để tạo niềm tin cho các bậc phụ huynh, giúp họ cảm thấy yên tâm hơn khi con em mình bắt đầu đi học. Và  như vậy, công tác huy động trẻ mầm non đến trường của bạn đã hoàn toàn đạt hiệu quả.

Mọi thắc mắc xin liên hệ với Kidspace để được giải đáp.

CÔNG TY THIẾT KẾ TRƯỜNG HỌC KIDSPACE

Địa chỉ: New skyline – Khu đô thị mới Văn Quán – Hà Đông – Hà Nội

Hotline: 0987 388 886 (Mr Trang)

Rất hân hạnh được phục vụ quý khách!


 

 

-->
Liên quan